Nội Dung
Được xem là một trong bốn ngôn ngữ khó nhất thế giới bên cạnh tiếng Trung, Nhật và Ả-rập, tiếng Hàn gây khó khăn cho người học bởi các cấu trúc ngữ pháp đuôi câu và hệ thống kính ngữ phức tạp. Tuy nhiên, độ khó của một ngôn ngữ còn tùy thuộc vào sự tương đồng về mặt văn hóa với văn hóa bản ngữ của người học cùng nhiều yếu tố khác. Dưới đây là tổng quan các đặc trưng của tiếng Hàn người học cần biết trước khi theo học ngôn ngữ này.
Tiếng Hàn là một ngôn ngữ biệt lập
Một số nhà ngôn ngữ học cho rằng tiếng Hàn thuộc hệ ngữ Altai (Altaic), có mối quan hệ họ hàng với một số ngôn ngữ như Thổ Nhĩ Kỳ, Mông Cổ, Phần Lan, Hungary, Mãn (phương ngữ của Trung Quốc), nhưng giả thuyết này đến nay vẫn chưa được minh chứng rõ ràng. Do vậy, tiếng Hàn vẫn được xem là ngôn ngữ biệt lập (isolate language), không có quan hệ với bất kỳ một ngôn ngữ nào khác hiện có trên Trái Đất và được đặt tên riêng là hệ ngữ Triều Tiên (Koreanic).
Từ vựng chịu ảnh hưởng lớn từ Trung Quốc
Tiếng Hàn là một ngôn ngữ biệt lập và có ngữ pháp hoàn toàn khác với tiếng Trung. Nhưng do mối quan hệ lịch sử lâu dài và bị ảnh hưởng bởi văn hóa Hán, có tới 60% từ vựng tiếng Hàn có nguồn gốc từ tiếng Trung. Còn lại, khoảng 35% hoàn toàn là từ vựng thuần Hàn và 5% là vay mượn từ nhiều ngôn ngữ khác như Anh, Nhật,…
Chẳng hạn:
- 생일 (saeng-il) ~ 生日 (shēngrì): sinh nhật;
- 준비하다 (junbihada) ~ 准备 (zhǔnbèi): chuẩn bị;
- 산 (san) ~ 山 (shān): núi;
- 도서관 (doseogwan) ~ 图书馆 (túshū guǎn): thư viện;
- 주 (ju) ~ 周 (zhōu): tuần;
- …
- 요리하다 (yorihada) ~ 料理する (ryōri suru): nấu ăn;
- 사진 (sajin) ~ 写真 (shashin): bức ảnh;
- 가방 (gabang) ~ かばん (kaban): cái cặp;
- …
- 컴퓨터 (keompyuteo) ~ computer (kəmˈpjuː.təʳ): máy tính;
- 텔레비전 (tellebijeon) ~ television (ˈtel.ɪ.vɪʒ.ən): tivi;
- …
Động từ luôn đặt cuối cùng trong câu
Tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Việt là ngôn ngữ SVO (subject – verb – object) với thứ tự trong câu luôn là chủ ngữ, động từ, tân ngữ. Trong khi đó, tiếng Hàn là ngôn ngữ SOV (subject – object – verb), chủ ngữ – tân ngữ – động từ, tức động từ luôn là thành phần cuối cùng trong câu, đứng sau tân ngữ. Tiếng Nhật cũng là ngôn ngữ SOV.
Hai hệ thống đếm khác nhau
Trong tiếng Hàn, số từ chỉ số lượng lớn và số lượng nhỏ là khác nhau thể hiện qua hai hệ thống đếm. Một hệ thống sử dụng số thuần Hàn, dùng để nói về tuổi, đếm vật thể, diễn đạt giờ, số lần, số thứ tự từ 1 đến 99 (dưới 100). Hệ thống còn lại sử dụng số Hán – Hàn (có nguồn gốc từ âm Hán của Trung Quốc), dùng để thể hiện số phút, giây và một số phép đo lường khác như tiền, ngày, tháng, năm, tầng, nhà, phòng, SĐT,… Ngoài ra còn được dùng để đếm số lượng từ 100 trở lên đối với các đơn vị dùng số thuần Hàn từ 1 đến 99.
Bảy cấp độ kính ngữ
Kính ngữ là điểm đặc trưng nhất trong tiếng Hàn.
Trong tiếng Việt, “kính ngữ” được thể hiện qua một số phép tắc đơn giản như: Đảm bảo đầy đủ chủ ngữ – vị ngữ trong câu, sử dụng đại từ nhân xưng phù hợp, có các từ kính ngữ ở đầu (thưa, kính thưa,…) hoặc ở cuối câu (ạ, dạ,…). Còn trong tiếng Hàn, “kính ngữ” được biểu hiện phức tạp hơn đòi hỏi người dùng phải phán đoán ngữ cảnh, đối tượng, mục đích giao tiếp mà sử dụng cho phù hợp với 3 dạng chính bao gồm: kính ngữ với chủ thể, kính ngữ với người nghe, kính ngữ trong từ loại.
Ngoài ra, để thể hiện cấp độ kính ngữ, tiếng Hàn sẽ có các cách kết thúc động từ, tính từ khác nhau tùy thuộc vào mối quan hệ (địa vị, độ tuổi, sự tôn trọng,…) giữa người nói và người nghe và mục đích, ý định của câu nói. Tại Bắc Triều Tiên, hình thức kính ngữ cao nhất được dành riêng cho Nhà lãnh đạo cấp cao nhất – ông Kim Jong Un, người được đặc quyền có cách kết thúc động từ dành riêng cho mình – 옵 (“op”).
Ngôn ngữ khó nhất thế giới, đặc biệt khó đối với người nói tiếng Anh
Tiếng Hàn là một trong 4 ngôn ngữ khó nhất thế giới bên cạnh tiếng Trung, Nhật và Ả-rập. Theo ước tính, để thông thạo tiếng Hàn như người bản địa, người học cần dành thời gian khoảng 2,200 giờ.
Lý do tiếng Hàn khó học đối với người nói tiếng Anh là bởi trật tự ngữ pháp khác biệt (SOV) và một hệ thống kính ngữ phức tạp được xác định bằng các cách kết thúc động từ. Tuy vậy, tiếng Hàn sơ cấp không khó học. Ít nhất, bảng chữ cái Hangul (biểu âm) dễ học hơn so với hệ thống chữ Hán (biểu ý). Tiếng Hàn không có nhiều thanh điệu như tiếng Việt (6 thanh) và tiếng Trung (4 thanh), không có danh từ, tính từ giống đực, giống cái,… như tiếng Pháp và tiếng Đức.
Người Hàn hay dùng đại từ nhân xưng mang tính “cộng đồng”
Trong văn hóa Hàn Quốc, ý thức cộng đồng hướng đến gia đình và nhóm xã hội lớn hơn chủ nghĩa cá nhân. Người Hàn thường dùng đại từ nhân xưng “chúng tôi”, “chúng ta” thay vì “tôi”, “ta”. Sẽ phải mất nhiều năm người học tiếng Hàn mới có thể hiểu được cách dùng đại từ nhân xưng sao cho phù hợp.
Tiếng Hàn sử dụng hệ thống chữ Hán của Trung Quốc, cho đến thế kỷ 15…
Mặc dù đã tồn tại hàng nghìn năm, nhưng phải đến thế kỷ 15, bảng chữ cái riêng của tiếng Hàn (Hangul) mới được tạo ra dưới thời Sejong Đại đế, vua thứ 4 của triều đại Joseon.
Trước đó, người Hàn sử dụng chữ Hán của Trung Quốc, gọi là Hanja. Chữa Hán vốn rất khó học, khó nhớ đối với thường dân. Để xóa nạn mù chữ, Hangul đã được tạo ra với 21 nguyên âm (10 phụ âm cơ bản, 11 phụ âm mở rộng) và 19 phụ âm (14 phụ âm cơ bản, 5 phụ âm đôi). Các nét chữ được xây dựng dựa trên sự hài hòa của học thuyết âm dương, trong đó các ký tự được nhóm lại với tạo thành một “khối âm tiết”. Năm 1997, Hangul được UNESCO công nhận giá trị văn hóa và vinh danh là “Di sản tư liệu thế giới”.
Hangul là một trong những hệ thống chữ viết trẻ nhất trên thế giới. Các nhà ngôn ngữ học thích Hangul. Họ mô tả nó như là hệ thống ngữ âm hoàn hảo nhất được phát minh ra, một bảng chữ cái quá hợp với một ngôn ngữ, như một chiếc găng tay vừa vặn với đôi tay.
Phụ âm Hangul được mô phỏng theo khẩu hình
Mặc dù được sáng tạo vào thời kỳ Trung đại cách đây gần 600 năm song Hangul lại có nguyên tắc ngữ âm tương đối hiện đại của thế kỷ 20. Căn cứ vào sách Huấn dân chính âm, chữ Hangul được tạo nên theo một nguyên lý khoa học, rõ ràng và độc đáo, thể hiện tương đối đầy đủ các nguyên tắc ngữ âm học quan trọng nhất như:
- Quy định nguyên âm và phụ âm;
- Vị trí cấu âm, hình dạng cơ quan cấu âm: môi, răng, vòm miệng,…;
- Phương pháp cấu âm phụ âm giống với âm đọc trong chữ Hán;
- Phương pháp cấu âm nguyên âm mô tả phát âm mạnh, nhẹ, nông, sâu,…;
Các chữ viết khác trên thế giới ban đầu thường được thể hiện qua các nét tượng hình, mô phỏng đời sống nông nghiệp và sinh hoạt, biểu thị ý nghĩa, còn vua Sejong lại dựa trên nguyên lý ngữ âm học để sáng tạo ra các chữ cái hoàn toàn mới.
- Các ký tự phụ âm được mô phỏng từ hình dạng cơ quan cấu âm (khẩu hình khi phát âm) và vị trí cấu âm.
- Các ký tự nguyên âm được mô phỏng từ hình ảnh Trời, Đất và Người trong thuyết Tam tài Thiên Địa Nhân. Một số nét được thêm vào để tạo ra chữ cái khác có ít nhất một đặc điểm giống với chữ cái ban đầu.
Tiếng Hàn được nói ở Bắc và Nam Triều Tiên là khác nhau
Do thời gian bị chia cắt khá lâu dài, tiếng Hàn tại Bắc và Nam Triều Tiên đã phát triển và biến đổi dẫn đến từ vựng, phát âm và thậm chí quy tắc ngữ pháp hiện tại đã khác biệt nhau.
Hy vọng những thông tin trên sẻ giúp bạn phần nào hiểu hơn về thứ ngôn ngữ độc đáo và thú vị này.